Logo

ĐOÀN ĐỊA CHẤT 154

26/04/2024 In bài viết

Vị trí và chức năng

1. Đoàn Địa chất 154 là tổ chức trực thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, có chức năng tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phóng xạ; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về địa chất, khoáng sản theo quy định pháp luật.

2. Đoàn Địa chất 154 có con dấu, hạch toán phụ thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, được mở tài khoản tại Ngân hàng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
         
 Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham gia xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; các đề án điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phóng xạ; đề án thăm dò khoáng sản; dự án đầu tư phát triển của Liên đoàn.

2. Thực hiện các hạng mục công việc Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ do Liên đoàn giao theo kế hoạch hàng năm của các đề án, dự án điều tra điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản phóng xạ; thăm dò khoáng sản phóng xạ, khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ an ninh quốc phòng.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Liên đoàn, gồm:
          a.Tham gia xây dựng, thực hiện các đề án điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đất hiếm; thăm dò khoáng sản đất hiếm và các khoáng sản khác; điều tra địa chất môi trường, quan trắc địa chất môi trường, môi trường khoáng sản độc hại, phóng xạ; địa chất môi trường trong hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ, đất hiếm; điều tra địa chất công trình - địa chất thủy văn, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, quan trắc tai biến địa chất và thăm dò khoáng sản trong phạm vi cả nước.
          b.Tham gia giám sát thi công đối với các đề án thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật; xác định ranh giới các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo phân công của Liên đoàn trưởng.
            c.Tham gia xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.
       
d.Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về địa chất, khoáng sản.
          e.Tham gia thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và tham gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Liên đoàn trưởng.
           f. Theo dõi, tổng hợp thông tin, số liệu, dữ liệu về điều tra địa chất, khoáng sản phóng xạ trên phạm vi cả nước.
           4. Thực hiện các hoạt động dịch vụ về địa chất, khoáng sản, gồm:
          a. Tổ chức thi công các hạng mục công việc thuộc các hợp đồng dịch vụ địa chất, khoáng sản do Liên đoàn ký và giao đơn vị thực hiện.
         b. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ theo phân cấp, uỷ quyền của Liên đoàn trưởng về: địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, địa chất môi trường; lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản; khoanh định khu vực dự trữ, cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của địa phương, đánh giá tác động môi trường, cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, điều tra, đánh giá khoáng sản, thăm dò khoáng sản và các dịch vụ khác về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện công tác an toàn lao động và vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong hoạt động của đơn vị theo quy định.
6. Nghiệm thu nội bộ các nhiệm vụ, công việc hoàn thành của đơn vị, trình Liên đoàn nghiệm thu cơ sở các nhiệm vụ được Liên đoàn giao.
7. Quản lý tài chính, tài sản và máy móc thiết bị được Liên đoàn giao; Quản lý tổ chức, vị trí việc làm; viên chức, người lao động; thực hiện cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước và theo phân cấp của Liên đoàn trưởng.
8. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Liên đoàn trưởng giao.

Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Đoàn Địa chất 154 có Đoàn trưởng và các Phó đoàn trưởng. Số lượng Phó đoàn trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Đoàn trưởng chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Đoàn và các nhiệm vụ được giao; xây dựng nội quy đơn vị; ký các văn bản chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các văn bản khác theo ủy quyền của Liên đoàn trưởng.

3. Phó đoàn trưởng giúp việc Đoàn trưởng, chịu trách nhiệm trước Đoàn trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được Đoàn trưởng phân công.

4. Viên chức và người lao động của Đoàn thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo phân công của Đoàn trưởng và chịu trách nhiệm trước Đoàn trưởng về nhiệm vụ được phân công.


                                           BA MƯƠI TƯ NĂM HOẠT ĐỘNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐOÀN ĐỊA CHẤT 154
                                                                                       Lê Văn Tường - Đoàn trưởng
    Đoàn Địa chất 154 trực thuộc Liên đoàn Địa chất 10 (nay là Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm) được thành lập theo Quyết định số 80/QĐ-TC ngày 28 tháng 3 năm 1984 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất (nay là Cục Địa chất Việt Nam).
     Lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất Quảng Nam Trung Dũng Kiên Cường đi đầu diệt Mỹ, là nơi ẩn chứa nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là các khoáng sản quý hiếm có tính chiến lược quan trọng của đất nước, những ngày đầu mới thành lập đóng quân tại vùng mỏ Nông Sơn dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ, bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng với khẩu hiểu “tìm nhiều Tài nguyên làm giàu tổ quốc” với lực lượng kỹ thuật, công nhân còn non trẻ nhưng tràn đầy nhiệt huyết được trưởng thành trong thời kỳ đất nước mới thống nhất.
     Năm 1986, để ổn định và phát triển đơn vị  lâu dài, được sự chỉ đạo thống nhất của Tổng cục, Liên đoàn và sự giúp đỡ của địa phương, đơn vị đã hoàn thành xây dựng cơ sở làm việc và tiến hành di chuyển về thị xã Tam Kỳ là tỉnh lỵ của Quảng Nam- Đà Nẵng và là thành phố Tam Kỳ thủ phủ của tỉnh Quảng Nam hiện nay. Đoàn được cơ cấu bởi 3 bộ phận chính: bộ phận quản lý nghiệp vụ, bộ phận thi công và bộ phận kỹ thuật; trên cơ sở hợp nhất, điều động lực lượng từ các đơn vị bạn  trong Liên đoàn và tuyển dụng, đào tạo tại địa phương, có thời điểm quân số lên đến 180 người. Nhiệm vụ chính trị được giao là tìm kiếm đánh giá khoáng sản urani khu vực Trũng Nông Sơn nói riêng và các khu vực các tỉnh phía Nam nói chung. Kể từ khi thành lập đến nay có thể kể đến hàng loạt nhiệm vụ tìm kiếm đánh giá quặng urani đã được Đoàn Địa chất 154 tổ chức thực hiện thành công như: đề án “Tìm kiếm đánh giá triển vọng quặng urani trong mỏ than Nông Sơn” năm 1984-1986; đề án “Tìm kiếm đánh giá quặng urani trong graphit Tiên An- Tiên Phước” năm 1985-1989; đề án “Tìm kiếm quặng urani trong cát kết vùng Khe Hoa- Khe Cao” năm 1989-1995; đề án “Tìm kiếm đánh giá quặng urani vùng An Điềm- Quảng Nam” năm 1996-1998; đề án “Đánh giá quặng urani khu Đông Nam Bến Giằng, tỉnh Quảng Nam” năm 1999-2003; Dự án Chính phủ “Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam” (2013-2014) do Viện Khoa học Địa chất khoáng sản chủ trì với diện tích điều tra tỷ lệ 1/200.000 được giao là 2.000km2 ở phía tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, KonTum, Gia Lai; đặc biệt kể từ năm 2010 đến nay, Đoàn Địa chất 154 được Liên đoàn giao là đơn vị chủ nhà thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng và xây dựng các công trình phục vụ thi công và cũng là Đoàn chủ công của Đề án Chính phủ “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa- Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”; phát huy được năng lực và các lợi thế hiện có, Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cùng với việc hoàn thành hàng chục ngàn mét khoan tại Đề án, Đoàn đã chuẩn bị đủ điều kiện về mặt bằng thi công, hệ thống đường khoan góp phần rất quan trọng trong kết quả, hiệu quả thi công Đề án. Có thể nói tất cả các đề án tìm kiếm đánh giá và thăm dò quặng urani được Liên đoàn giao kể trên đã được Đoàn Địa chất 154 hoàn thành xuất sắc, kết quả qua các đề án tìm kiếm đánh giá kể trên đã góp phần khẳng định tiềm năng về khoáng hoá urani trong Trũng Nông Sơn là tiền đề cho các nhiệm vụ thăm dò chuẩn bị nguồn nguyên liệu năng lượng cho tương lai của đất nước cũng như khẳng định được vị trí, vai trò của đơn vị trong Liên đoàn nói riêng và của ngành nói chung, đồng thời qua đó đã góp phần đào tạo được đội ngũ các cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành xạ hiếm cho đất nước.
     Đồng thời với những nhiệm vụ địa chất về quặng urani, từ năm 2004 đến 2008, Đoàn được giao thi công các đề án: “Đánh giá triển vọng Quặng feslpat khu vực Tiên Hiệp - Trà Dương, tỉnh Quảng Nam” và đề án “Đánh giá triển vọng Quặng feslpat khu vực Trà My - Tiên Lập, tỉnh Quảng Nam”. Đây là đối tượng khoáng sản phi kim phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang phát triển của cả nước. Bằng sự phấn đấu và tìm tòi sáng tạo, Đơn vị đã hoàn thành các đề án này một cách xuất sắc, xác định được các mỏ felspat có triển vọng phục vụ cho công tác quy hoạch thăm dò khai thác loại khoáng sản này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Năm 2009 - 2012, Đoàn được giao tham gia thi công đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu” và thi công một phần diện tích thuộc đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bauxit, quặng sắt leterit Miền Nam Việt Nam” đây là hai đề án Chính phủ có nhiều đơn vị tham gia do Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ chủ trì. Với kinh nghiệm thi công và sự sáng tạo cải tiến quy trình kỹ thuật, đơn vị đã hoàn thành khối lượng hàng chục ngàn mét khoan, hàng ngàn mét giếng và các hạng mục kỹ thuật góp phần vào thành công chung của hai đề án Chính phủ này đồng thời góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp khai thác chế biến quặng titan và quặng bauxit, sắt laterit ở Việt Nam.
     Cùng với nghiên cứu về chuyên môn, trong những năm qua đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với Sở công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá tổng hợp phân vùng kinh tế Địa chất của tỉnh Quảng Nam, nhằm góp phần định hướng quy hoạch và kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, bước đầu đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển nghành công nghiệp của tỉnh Quảng Nam.
Ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, nhà nước chuyển đổi cơ chế quản lý, việc làm của đơn vị có những hạn chế, tập thể CBCNV của đơn vị đã tìm tòi sáng tạo, năng động để tạo thêm việc làm nhằm ổn định đơn vị như: khai thác chế biến khoáng sản felspat, sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, sản xuất và chế biến nước khoáng Bàn Thạch, thi công thăm dò khảo sát nhiều mỏ nhỏ cho các doanh nhiệp trên địa bàn như: thăm dò mỏ Cát trắng xuất khẩu Tam Anh- Núi Thành, mỏ Cát trắng Liễu Trinh- Quế Sơn, mỏ đá Granit Tân Lợi- Tam Thái, mỏ sét làm gạch ngói Tây Yên, Núi Thành, khoan nền móng công trình, khoan thăm dò nước ngầm,…
     Đặc biệt sau năm 2005 khi Đảng và nhà nước có chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng đất nước trong đó ngành khai khoáng đã có những phát triển vượt bậc. Được sự chỉ đạo trực tiếp và tạo điều kiện của Liên đoàn đơn vị cũng đã hoàn thành nhiều đề án thăm dò khoáng sản có giá trị như: thăm dò quặng sa khoáng titan-zicon các mỏ Vũng môn, Mũi đá 1, Mũi đá 2, Hồng Thắng 1, Hồng Thắng 2, Thiện Ái, Hòn rơm thuộc tỉnh Bình Thuận; mỏ Từ Hoa- Từ Thiện tỉnh Ninh Thuận, các mỏ Đề Gi 1, Đề Gi 2,  Mỹ Thành,  Mỹ Đức, Cát Khánh, Cát Thành tỉnh Bình Định; mỏ Đồng Luật, Vĩnh Thái tỉnh Quảng Trị… Thăm dò các mỏ Cát trắng khu vực Ngã 5 tỉnh Quảng Trị , các mỏ Cát trắng khu Bàu Thiềm, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế phục vụ nguồn nguyên liệu sản xuất cát khuôn đúc, Frit, thủy tinh và xuất khẩu; tham gia thi công công trình thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, Lai Châu…Trong các năm 2011 đến nay, đơn vị đã nghiên cứu, điều tra, đánh giá, thăm dò hàng chục điểm vàng gốc phục vụ cho công tác khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ ở các tỉnh Quảng Nam, KonTum, Quảng Trị…..
     Nhiều năm qua Đoàn Địa chất 154 đã đảm bảo việc làm và thu nhập cho đội ngũ cán bộ viên chức lao động trong đơn vị, hoàn thành nghĩa vụ đóng góp với nhà nước, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho CBCNV. Song song với nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn, Đoàn luôn luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCNV, công tác đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề đều được chú ý đúng mức. Công tác xây dựng và phát triển Đảng luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Chi bộ thường xuyên sinh hoạt và đề ra những chủ trương và biện pháp đúng đắn, nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ đạo, phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ Đảng viên, vì vậy nhiều năm liền chi bộ được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh. Đơn vị cũng đã làm tốt công tác an ninh quốc phòng, công tác phòng cháy chữa cháy cũng như các hoạt động khác trên địa bàn, được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường, công tác thăm hỏi CBCNV ốm đau, gặp gỡ các CBCNV đã nghỉ hưu nhân dịp tết đến, xuân về được duy trì thường xuyên, góp phần động viên CBCNV hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, Đoàn cũng đã quan tâm đến các phong trào hoạt động xã hội khác, hoạt động đoàn thể như: các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Phụ nữ không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao. Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn, song đơn vị vẫn quan tâm đến phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” từ năm 1995 đến 2018 được sự hỗ trợ của Liên đoàn, Đoàn đã nhận phụng dưỡng 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Tam Dân và xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và tặng 15 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách ở huyện Quế Sơn. Tham gia đóng góp cùng địa phương xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em nghèo học giỏi, quỹ bảo trợ người tàn tật, hội tự thiện…và tham gia cùng Liên đoàn trao qua tình nghĩa cho đồng bào gặp khó khăn 2 xã Ta Pơơ và TaBHing huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Phong trào thể dục thể thao cũng được đầu tư đúng hướng, hàng năm đều có các đội cầu lông, bóng chuyền, bóng đá … tham gia thi đấu các giải do Công đoàn Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam tổ chức.
     Phát huy truyền thống của Liên đoàn và của ngành, trong những năm qua tập thể CNVC Đoàn Địa chất 154 đã rèn luyện phấn đấu và tự khẳng định mình trong ngôi nhà chung của Liên đoàn Xạ - Hiếm. Nhiều cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo của đơn vị đã trưởng thành đi lên đảm nhận những nhiệm vụ cao hơn như các đồng chí Trần Bình Trọng (Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ TN và MT), Nguyễn Trường Giang (Liên đoàn trưởng), Lê Quyết Tâm (Phó Liên đoàn trưởng)… cùng các nhà địa chất, các CBVC trưởng thành từ thực tế đã góp phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng xây dựng ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phát triển như này nay.
Với những thành tích trong lao động và sản xuất tập thể VCLĐ Đoàn Địa chất 154 đã vinh dự được Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, UBND thị xã Tam Kỳ tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ lưu niệm và năm 1999 Đoàn đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3.
     Đạt được những thành tích to lớn nêu trên, ngoài sự cố gắng nỗ lực của tập thể CBCNVC, Đoàn Địa chất 154 đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, của lãnh đạo ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm qua các thời kỳ đã thường xuyên theo dõi động viên kiểm tra hướng dẫn đơn vị vượt qua những khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
    Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm và cũng là dịp kỷ niệm 34 năm thành lập Đoàn Địa chất 154, cho phép tập thể lãnh đạo, VCLĐ Đoàn Địa chất 154 bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới các vị lãnh đạo Bộ Công nghiệp trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Đảng ủy và Lãnh đạo Liên đoàn Địa chất Xạ- Hiếm qua các thời kỳ, lãnh đạo và nhân dân địa phương thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lại, ĐắkLắc, ĐắkNông, Bình Phước, Lâm Đồng, Lai Châu nơi ghi dấu hoạt động của đơn vị đã đóng quân và làm việc trong 34 năm qua. Đồng thời chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn các đơn vị, doanh nghiệp đã đồng hành với Đoàn Địa chất 154 trong công cuộc điều tra, đánh giá, thăm dò địa chất khoáng sản. Chúng tôi hy vọng tiếp tục được đón nhận những tình cảm tốt đẹp của các cấp quản lý, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp dành cho Đoàn, đây là nguồn tình cảm quý báu và là hành trang giúp chúng tôi vững bước đi lên để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho./.

 


Kỷ niệm 35 năm thành lập Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm 1978 - 2013
Hào khí Viêt Nam (Liên đoàn ĐỊa chất Xạ - Hiếm)
Văn nghệ Hội nghị Đại biểu Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm năm 2016
Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Nghiền mịn mẫu đất đá
Nghiền mịn mẫu đất đá

Hoạt động chuyên môn

Đơn vị trực thuộc

Đăng nhập

Văn bản pháp quy

Liên kết website

Hình ảnh liên đoàn

Copyrights 2017 Geological Division for Radioactive And Rare Elements. All rights reserved.