PHÒNG PHÂN TÍCH THÍ NGHIỆM
25/11/2024 In bài viết
Vị trí và chức năng
Phòng Phân tích thí nghiệm là tổ chức trực thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, có chức năng tổ chức thực hiện gia công, phân tích các loại mẫu phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường; thực hiện các dịch vụ công về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham gia xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; các đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phóng xạ, đất hiếm; thăm dò khoáng sản; điều tra, quan trắc địa chất môi trường, địa chất môi trường trong hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ, đất hiếm; dự án phát triển của Liên đoàn.
2. Thực hiện các hạng mục gia công, phân tích mẫu của các nhiệm vụ do Liên đoàn giao kế hoạch và dự toán; chế tạo mẫu chuẩn, mẫu trắng; nghiên cứu mẫu kỹ thuật, mẫu công nghệ phóng xạ, đất hiếm.
3. Thực hiện việc lưu giữ, bảo quản mẫu lưu sau gia công, phân tích theo quy định của pháp luật và Liên đoàn.
4. Tham gia xây dựng quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong công tác gia công, phân tích các loại mẫu.
5. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về địa chất, khoáng sản, gồm:
a. Tổ chức thực hiện các hạng mục công việc gia công, phân tích mẫu thuộc các hợp đồng dịch vụ địa chất, khoáng sản, môi trường do Liên đoàn ký và giao đơn vị thực hiện.
b. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về: gia công, phân tích các loại mẫu địa chất, khoáng sản, môi trường; giám định mẫu vật địa chất, khoáng sản; nghiên cứu mẫu công nghệ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong hoạt động của đơn vị theo quy định.
7. Thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong hoạt động của đơn vị theo quy định.
8. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Liên đoàn trưởng phân công.
Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Phòng Phân tích thí nghiệm có Trưởng phòng và các Phó trưởng phòng. Số lượng Phó trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng và pháp luật về mọi hoạt động của phòng.
3. Phó trưởng phòng giúp việc cho Trưởng phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được Trưởng phòng phân công.
4. Viên chức và người lao động của Phòng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo phân công của Trưởng phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về nhiệm vụ được phân công.
PHÒNG PHÂN TÍCH THÍ NGHIỆM - LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN
Phòng phân tích thí nghiệm tiền thân là Phòng phân tích kim loại hiếm thuộc Viện hoá thuộc Tổng cục Địa chất. Năm 1972 do chiến tranh đánh phá ác liệt của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc đặc biệt là vào Hà Nội. Trước tình hình đó tháng 5 năm 1972 Phòng phân tích kim loại hiếm được lệnh chuyển lên Tây Bắc phục vụ trực tiếp công tác tìm kiếm và thăm dò quặng đất hiếm và urani tại Đoàn Địa chất 35, Phong Thổ, Lai Châu và mang tên là Phòng Phân tích thí nghiệm Đoàn Địa chất 35.
Trong những năm từ 1972 đến 1979 cùng với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô phòng đã phân tích hàng vạn mẫu phục vụ công tác tìm kiếm đánh giá và thăm dò mỏ đất hiếm, urani và thori Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đồng thời phân tích hàng vạn mẫu xạ hiếm và các loại mẫu khác phục vụ công tác tìm kiếm đánh giá quặng xạ hiếm trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi Liên đoàn Địa chất 10 (nay là Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm) thành lập (tháng 6 năm 1978), tháng 2 năm 1979 Phòng Phân tích thí nghiệm được chuyển từ Phong Thổ, Lai Châu về Hà Nội với tên gọi Phòng Phân tích thí nghiệm Liên đoàn Địa chất 10.
Theo sự phát triển chung của Liên đoàn và của ngành, Phòng Phân tích thí nghiệm được chuyển thành Xí nghiệp 156 tại Quyết định số 122 QĐ/MĐC ngày 11 tháng 5 năm 1989 của Tổng cục trưởng Tổng cục Mỏ - Địa chất. Ngày có hiệu lực của Quyết định là ngày 01/5/1989, hiện nay Trung tâm lấy ngày này là ngày kỷ niệm thành lập đơn vị. Với chức năng nhiệm vụ là gia công và phân tích các mẫu kim loại hiếm xạ và một số nguyên tố liên quan đến quặng xạ hiếm; ngày mới thành lập đơn vị có tổng số CBCNV gần 50 người biên chế trong các bộ môn gồm: Văn phòng; Hoá; Khoáng thạch; Quang phổ; Tham số vật lý. Xí nghiệp 156 được thành lập vào thời điểm Liên đoàn nói riêng và đất nước nói chung vô cùng khó khăn, máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, năng suất lao động thấp, lao động vất vả. Thực hiện chủ trương phát triển nguồn nguyên liệu urani phục vụ chương trình điện hạt nhân, nguồn đất hiếm phục vụ chương trình khoa học công nghệ của Nhà nước; Bộ Tài nguyên và Môi Trường; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã đồng ý đầu tư và phát triển công tác phân tích mẫu xạ hiếm. Từ chủ trương đó, ngay từ đầu năm 2012 Xí nghiệp 156 được đổi tên thành Trung tâm Phân tích thí nghiệm Xạ Hiếm và được đầu tư trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, có thể kể đến: Hệ thống quang phổ khối ICP-MS Agilent 7700x, hệ thống phân tích phổ gamma phông thấp HpGe ORTEC GEM 30, các loại kính phân tích khoáng thạch, hóa, gia công. Trung tâm đã được công nhận là phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 (Vilas 331) từ năm 2009. Trung tâm cũng đã tham gia chương trình phân tích thành thạo Quốc tế với 10 chỉ tiêu được công nhận. Cùng với sự phát triển của Liên đoàn, Trung tâm hiện nay, ngoài văn phòng bao gồm:
1.Phòng phân tích ICP-MS: với đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, hiện tại đơn vị có khả năng phân tích được hầu hết các loại hình khoáng sản, môi trường. Hệ thống thiết bị ICP-MS luôn được kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế nhỏ từ hệ thống làm mềm nước, lọc nước, phá mẫu bằng lò vi sóng đến hệ thống ICP-MS, luôn đảm bảo hệ thống này được bảo quản trong điều kiện theo yêu cầu của nhà sản xuất. Đây là thiết bị có độ nhạy cao với khả năng phân tích tới 70 nguyên tố hóa học.
Phổ khối plasma cảm ứng cao tần (ICP-MS: Inductively Coupled Plasma Mass Spectrometry) được khai thác như một kỹ thuật phân tích thương mại vào đầu những năm tám mươi và từ đó đã được áp dụng để xác định các nguyên tố vết, nguyên tố thứ yếu và nguyên tố chính trong hầu như mọi lĩnh vực phân tích. Với khả năng bao phủ dải nguyên tố rộng hầu như tất cả các nguyên tố có thể được đo bằng ICP-MS, gồm các nguyên tố kiềm và kiềm thổ, các kim loại chuyển tiếp và các kim loại khác, các nguyên tố đất hiếm, hầu hết các halogen và một số phi kim. Hiệu quả tín hiệu độ nhạy cao và nền thấp kết hợp để mang lại mức giới hạn phát hiện đối với các nguyên tố ở hàm lượng rất thấp (trong hầu hết các trường hợp là cận ng/L (sub-ng/L - parts-per-trillion (ppt)). Dải làm việc phân tích rộng lên đến 9 bậc trong một thu nhận đơn lẻ. Thông tin đồng vị và làm detector sắc ký rất tốt.
Trong những năm qua, mỗi năm phòng phân tích ICP-MS đã phân tích hàng ngàn mẫu các nguyên tố U, Th, các nguyên tố đất hiếm, các nguyên tố kim loại hiếm thuộc nhiều đề án điều tra, đánh giá, thăm dò khác nhau; phân tích kiểm tra đối sánh kết quả đánh giá chất lượng phân tích hoá cơ bản các đề án điều tra, đánh giá, thăm dò quặng urani, đất hiếm, kim loại hiếm do Liên đoàn và các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện với kết quả chính xác, tin cậy cao.
2. Phòng thí nghiệm phổ gamma phông thấp
Hệ thống phổ gamma phông thấp HpGe ORTEC GEM 30 có khả năng phân tích được hầu hết các nhân phóng xạ phục vụ công tác điều tra, đánh giá môi trường, đặc biệt là môi trường phóng xạ. Trong những năm qua, mỗi năm phòng đã phân tích hàng trăm mẫu phục vụ các đề án, dự án quan trắc, điều tra, đánh giá môi trường phóng xạ, giám sát môi trường phóng xạ của Liên đoàn và các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của Liên đoàn . Phòng phân tích cũng đã được công nhận đạt chuẩn ISO và cấp chứng chỉ VILAS.
3.Phòng thí nghiệm khoáng thạch: Phát huy được truyền thống và năng lực của đơn vị trong hàng chục năm qua, Phòng thí nghiệm Khoáng thạch của Trung tâm luôn là đơn vị đầu ngành duy nhất trong phân tích khoáng thạch các khoáng sản xạ hiếm. Trong những năm qua ngoài việc phân tích khoáng thạch, nhặt đơn khoáng các mẫu phóng xạ và đất hiếm, khoáng sản quý hiếm; hàng năm, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Phòng thí nghiệm khoáng thạch thuộc Trung tâm đã phân tích hàng ngàn đến hàng chục ngàn mẫu trọng sa thuộc các đề án điều tra, đánh giá, thăm dò sa khoáng ven biển (cả trong cát xám và cát đỏ), mẫu sa khoáng ở các vùng biển từ 0-30m nước và 0-60m nước ở dải bờ biển Việt Nam góp phần quan trọng vào sự thành công của các đề án do Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cũng như của các doanh nghiệp đầu tư; đồng thời khẳng định được thương hiệu của Trung tâm và của Liên đoàn trong lĩnh vực này.
4.Phòng thí nghiệm hóa học: phát truyền thống là đơn vị đầu đàn trong phân tích hoá các khoáng sản xạ, hiếm, nguyên tố hiếm. Trong những năm qua Phòng thí nghiệm hoá học của Trung tâm đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy hàng đầu trong việc phân tích hoá học các khoáng sản xạ, hiếm, nguyên tố hiếm cũng như các khoáng sản khác. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình quản lý chất lượng ISO 17025- 2005, Trung tâm đã xây dựng và trình Liên đoàn ban hành quy trình quản lý chất lượng chuyên môn hết sức cụ thể chặt chẽ từ khâu tiếp nhận mẫu đầu vào đến trả kết quả, cụ thể hoá các quy định quản lý chất lượng theo các Thông tư quy định hiện hành đối với nội bộ phòng thí nghiệp và cơ quan quản lý chất lượng. Việc phối hợp chặt chẽ công tác quản lý chất lượng giữa Phòng phân tích với Phòng Kỹ thuật Liên đoàn và các Chủ nhiệm Đề án đã nâng cao được vai trò kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao chất lượng phân tích. Đồng thời Trung tâm cũng đã tăng cường liên kết phân tích với các phòng thí nghiệm, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực từ đó nâng cao năng lực, chất lượng phân tích thí nghiệm. Tronmg những năm qua Trung tâm đã phân tích hoá học hàng chục ngàn mẫu đất hiếm ở tất cả các đề án đánh giá, thăm dò đất hiếm ở Việt Nam như các mỏ Nam, Bắc Nậm Xe, mỏ Yên Phú, mỏ Đông Pao, mỏ Mường Hum, Bến Đền… mỗi năm tiến hành phân tích hoá học hành ngàn mẫu hoá U, Th thuộc các đề án đánh giá, thăm dò quặng urani, các đề án đo vẽ và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 do Liên đoàn và các đơn vị bạn chủ trì, đặc biệt là Đề án Chính phủ Thăm dò urani khu Pà Lừa- Pà Rồng hiện nay. Ngoài ra Phòng phân tích hoá của Trung tâm còn phân tích mỗi năm hàng ngàn mẫu hoá thuộc các loại hình khoáng sản khác nhau như Fe, Cu, Pb, Zn, Mn…các khoáng chất công nghiệp như đá vôi, đolomit, đất sét, caolin, felspat, cát trắng, thạch anh… quặng apatit, quặng bauxit (Nhân Cơ, Tân Rai…), quặng barit… Từ những kết quả của Phòng phân tích hoá đã góp phần rất quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của Liên đoàn và các đề án và cũng từ đây đã góp phần phát triển năng lực gia công phân tích mẫu của Trung tâm đáp ứng nhu cầu của Liên đoàn và của ngành cũng như của các doanh nghiệp.
5. Phòng kỹ thuật gia công mẫu: Để đáp ứng yêu cầu của các dạng phân tích, trong những năm qua Phòng kỹ thuật gia công mẫu cũng đã được xây dựng và đầu tư kể cả con người và thiết bị. Đặc biệt kể từ khi triển khai đề án Thăm dò urani khu Pà Lừa- Pà Rồng, tỉnh Quảng Nam; để giải quyết vấn đề môi trường và các quy định trong vận chuyển, quản lý nguồn bức xạ; ngoài hệ thống gia công mẫu ở Hà Nội, Trung tâm đã đầu tư cả hệ thống thiết bị gia công mẫu tại thực địa. Nhờ vậy Trung tâm luôn chủ động đáp ứng yêu cầu gia công mẫu phục vụ đề án Chính phủ này cũng như các đề án, dự án khác. Bên cạnh đó công tác bảo quản mẫu lưu sau gia công, sau phân tích cũng được Trung tâm chú trọng thực hiện hết sức bài bản chặt chẽ theo quy định. Hệ thống kho, giá, kệ chứa các mẫu lưu được sắp xếp quy củ có đủ thông tin để tra cứu phục vụ công tác quản lý, sử dụng thuận tiện nhanh chóng.
Về công tác nghiên cứu khoa học, tập thể cán bộ của Trung tâm đã chế tạo thành công mẫu chuẩn quặng urani (với 2 cấp hàm lượng) trong đề tài “Chế tạo bộ mẫu chuẩn đá siêu mafic, đá đolomit và quặng phóng xạ tiêu chuẩn dung trong phân tích thí nghiệm”. Với bộ mẫu chuẩn này là căn cứ khoa học để kiểm soát chất lượng phân tích mẫu urani. Trung tâm đã nghiên cứu thành công các quy trình phân tích U, Th, REEs áp dụng trên thiết bị ICP-MS trong đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng các quy trình phân tích các nhóm nguyên tố urani, thori và đất hiếm trong đất, đá và nước trên hệ thống thiết bị ICP-MS Agilent 7700x”. Trong các hoạt động chuyên môn, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý của Trung tâm luôn phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu áp dụng những công nghệ mới vào hoạt động chuyên môn đem lại hiệu quả cao trong công tác.
Với những nỗ lực nêu trên, trung bình trong 5 năm gần đây Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ với giá trị doanh thu đạt khoảng trên 10 tỷ đồng/năm, bình quân thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng người, đời sống vật chất và tinh thần cán bộ viên chức của Trung tâm luôn ổn định và nâng cao một cách rõ rệt.
Để đạt được những thành quả trên đây, ngoài sự nỗ lực của CBVCLĐ của Trung tâm còn là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; của lãnh đạo và CBVC của Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm; sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Liên đoàn, Trung tâm Phân tích thí nghiệm Xạ Hiếm xin được trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ vô cùng quý báu đó và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo và CBVC các cơ quan cấp trên và của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đối tác trong thời gian tới.
Trong những năm tới, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên môn chung của Liên đoàn, của ngành và của đất nước, Trung tâm sẽ tập trung phát triển các phương pháp phân tích hiện đại có sử dụng các thiết bị như ICP-MS, ICP-OES, XRF, XRD, GAMMA phông thấp, kính hiển vi phân cực để đáp ứng nhu cầu của công tác địa chất và công tác môi trường nói chung và môi trường độc hại, phóng xạ nói riêng.
Tiếp tục liên kết hợp tác với các nhà khoa học giỏi về các lĩnh vực phân tích ở trong nước và hợp tác với các phòng thí nghiệm Quốc tế để nâng cao trình độ tay nghề của cán bộ phân tích đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của ngành cũng như của khách hàng.