Logo

ĐOÀN ĐỊA CHẤT 155

20/04/2024 In bài viết

Vị trí và chức năng

1. Đoàn Địa chất 155 là tổ chức trực thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, có chức năng tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đất hiếm trên phạm vi cả nước; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về địa chất, khoáng sản theo quy định pháp luật.

2. Đoàn Địa chất 155 có con dấu, hạch toán phụ thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, được mở tài khoản tại Ngân hàng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham gia xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; các đề án điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đất hiếm; đề án thăm dò khoáng sản; dự án đầu tư phát triển của Liên đoàn.

2. Thực hiện các hạng mục công việc Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ do Liên đoàn giao theo kế hoạch hàng năm của các đề án, dự án điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đất hiếm; thăm dò khoáng sản đất hiếm, khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ an ninh quốc phòng.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Liên đoàn, gồm:

a.Tham gia xây dựng, thực hiện các đề án điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phóng xạ; thăm dò khoáng sản phóng xạ và các khoáng sản khác; điều tra, đánh giá địa chất môi trường, quan trắc địa chất môi trường, môi trường khoáng sản độc hại, phóng xạ; địa chất môi trường trong hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ, đất hiếm; điều tra địa chất công trình - địa chất thủy văn, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, quan trắc tai biến địa chất và thăm dò khoáng sản trong phạm vi cả nước.
          b.Tham gia giám sát thi công đối với các đề án thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật; xác định ranh giới các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo phân công của Liên đoàn trưởng.

c. Tham gia xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

d. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về địa chất, khoáng sản.

e. Tham gia thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và tham gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Liên đoàn trưởng.

f. Theo dõi, tổng hợp thông tin, số liệu, dữ liệu về điều tra địa chất, khoáng sản đất hiếm trên phạm vi cả nước.
4. Thực hiện các hoạt động dịch vụ về địa chất, khoáng sản, gồm:
a. Tổ chức thi công các hạng mục công việc thuộc các hợp đồng dịch vụ địa chất, khoáng sản do Liên đoàn ký và giao đơn vị thực hiện.

b.Thực hiện các dịch vụ về địa chất, khoáng sản theo phân cấp, ủy quyền của Liên đoàn trưởng: Địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, địa chất môi trường, lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản; khoanh định khu vực dự trữ, cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của địa phương, đánh giá tác động môi trường, cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, điều tra, đánh giá khoáng sản, thăm dò khoáng sản, giám sát thi công các đề án và các dịch vụ khác về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

5.Thực hiện quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện công tác an toàn lao động và vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong hoạt động của đơn vị theo quy định.

6.Nghiệm thu nội bộ các nhiệm vụ, công việc hoàn thành của đơn vị, trình Liên đoàn nghiệm thu cơ sở các nhiệm vụ được Liên đoàn giao.

7.Quản lý tài chính, tài sản và máy móc thiết bị được Liên đoàn giao; Quản lý tổ chức, vị trí việc làm; viên chức, người lao động; thực hiện cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước và theo phân cấp của Liên đoàn trưởng.

8.Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Liên đoàn trưởng giao.

        Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Đoàn Địa chất 155 có Đoàn trưởng và các Phó đoàn trưởng. Số lượng Phó đoàn trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Đoàn trưởng chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Đoàn và các nhiệm vụ được giao; xây dựng nội quy đơn vị; ký các văn bản chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và các văn bản khác theo ủy quyền của Liên đoàn trưởng.
3. Phó đoàn trưởng giúp việc Đoàn trưởng, chịu trách nhiệm trước Đoàn trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được Đoàn trưởng phân công.
4. Viên chức và người lao động của Đoàn thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo phân công của Đoàn trưởng và chịu trách nhiệm trước Đoàn trưởng về nhiệm vụ được phân công.


                                ĐOÀN ĐỊA CHẤT 155 - 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
                                                       Th.S Vũ Văn Bích - Đoàn trưởng  
      Đoàn Địa chất 155 được thành lập theo Quyết định số 85 QĐ/MĐC ngày 02 tháng 4 năm 1988 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Mỏ và Địa chất với nhiệm vụ: cung ứng vật tư thiết bị nguyên vật liệu trực tiếp cho các đơn vị của Liên đoàn địa chất 10, sửa chữa trung tu các loại máy móc thiết bị khoan thăm dò, phương tiện vận tải.

Ngày 21 tháng 7 năm 2000, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có Quyết định số 188 QĐ/ĐCKS, đổi tên Đoàn 155 thành Đoàn Địa chất 155, trụ sở của đơn vị tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Chức năng nhiệm vụ của Đoàn được mở rộng trên nhiều lĩnh vực: tồ chức, thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản xạ, hiếm và một số khoáng sản khác; tìm kiếm thăm dò, khảo sát địa chất môi trường, địa chất công trình, thi công các công trình khoan khoan, hào giếng và thực hiện nhiều dịch vụ địa chất…

Trải qua 30 năm hoạt động và phát triển,  Đoàn Địa chất 155 đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao, đó là:

- Năm 1988-1992: Hoàn thành công tác khoan khai đào trên mỏ đất hiếm nhóm nặng Yên Phú, tỉnh Yên Bái (năm 1988-1992).

- Năm 1991-1992: Hoàn thành hố khoan sâu 650 mét, xác định cấu trúc móng vùng trũng Nông Sơn tại Khe Hoa - Khe Cao, mở ra triển vọng lớn cho khả năng đáp ứng các công trình thăm dò quặng dưới sâu.

          - Năm 1993-1998 khai thác tận thu quặng Fluorit tại mỏ Đông Pao (tỉnh Lai Châu) cung cấp phụ gia cho nhà máy xi măng Hải Phòng, sản lượng mỗi năm hàng nghìn tấn Fluorit.

 

- Từ năm 1999 đến nay Đoàn đã tham gia và hoàn thành nhiều đề án địa chất và địa chất môi trường được giao từ nguồn ngân sách nhà nước như: Tìm kiếm đất hiếm nhóm nặng vùng Tây Bắc; Đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ: 1/50.000 nhóm tờ Trạm Tấu;  Điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ, xác định khả năng ảnh hưởng và đề xuất biện pháp khắc phục trên một số mỏ phóng xạ ở Lai Châu, Cao Bằng và Quảng Nam; Điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ trên các mỏ Đông Pao, Thèn Sin, Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Yên Phú tỉnh Yên Bái, Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ, An Điềm, Ngọc Kinh, Sườn Giữa tỉnh Quảng Nam; Điều tra chi tiết hiện trạng môi trường phóng xạ bản Dấu Cỏ, xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tỷ lệ 1/1.000, phục vụ quy hoạch dân cư và phát triển kinh tế xã hội khu vực; đề án “Đánh giá quặng Urani Khe Lốt, tỉnh Quảng Nam”; Thi công Dự án “Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam”;

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Đoàn là một trong những đơn vị thi công chủ lực tại Đề án Chính phủ do Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm chủ trì: “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam”, mỗi năm đơn vị hoàn thành hàng ngàn mét khoan của Đề án. Trong năm 2017, đơn vị được giao nhiệm vụ trọng tâm là khoan thăm dò quặng urani tại lô G của Đề án và khoan hai lỗ khoan sâu trên dưới 300m để nghiên cứu cấu trúc sâu của khu vực thăm dò, trong khi thiết bị hiện tại chỉ có máy khoan GK-250, với chiều sâu tối đa đạt được là 250m. Cán bộ công nhân Đoàn đã quyết tâm, khắc phục khó khăn, cải tiến kỹ thuật, hoàn thành lỗ khoan đầu tiên tới 284m, vượt thiết kế 113% và lỗ khoan sâu thứ hai được bổ sung máy khoan GK-300, thời điểm giữa mùa mưa bão, đường dốc vách, lầy lội, sạt lở, phải dùng xe xích kéo thiết bị khoan lên; trong điều kiện khó khăn như vậy đơn vị vẫn hoàn thành lỗ khoan, với chiều sâu: 346m, vượt 115% mức giới hạn của thiết bị, khoan tới móng granit, phát hiện ra lớp quặng mới ở độ sâu 220m, dày 2-3m, mở ra triển vọng quặng tại lô G và cung cấp thông tin cho Đề án nghiên cứu diễn biến địa chất tới tầng móng diện tích thăm dò; công tác thi công đã đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và thiết bị cũng như đảm bảo đúng tiến độ của Liên đoàn đề ra.

Ngoài ra, trong điều kiện nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hạn hẹp, Đoàn đã chủ trì thực hiện nhiều hợp đồng dịch vụ Liên đoàn giao và Đoàn tự khai thác từ nguồn vốn xã hội như: Thi công công trình khoan thăm dò tại mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái); thăm dò chì kẽm Na Sơn - Suối Thâu - Mỏ Bạc (tỉnh Hà Giang); khoan khảo sát thủy điện lòng hồ, các nền móng công trình nhà cao tầng, hồ đập, cầu cống… khoan thăm dò đá vôi, đá ốp lát, quặng inmenit, khoan khai thác nước ngầm; thi công thực địa thăm dò quặng sắt tại khu vực Bản Phắng, xã Trung Hòa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn; thi công đề án thăm dò quặng sắt Ba Hòn - Làng Lếch, tỉnh Lào Cai; thăm dò sắt Làng Mỵ, xã Chấn Thịnh và xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Thăm dò quặng sắt khu vực núi 300, xã Hưng Thịnh và xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; thăm dò mỏ felspat Làng Giàng, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai”; Thăm dò mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu;  Khảo sát địa chất chi tiết bổ sung, khoanh định diện tích triển vọng khoáng sản, phục vụ công tác lập đề án thăm dò đá vôi, đá hoa làm đá ốp lát và vật liệu xây dựng tại khu vực Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; thăm dò mỏ Dolomit khu vực Đá Đinh 1, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Thi công công trình thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; thi công các công trình khoan máy thăm dò các mỏ đá vôi trắng tại vùng Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An và vùng Lục Yên, tỉnh Yên Bái; Lập báo cáo tổng hợp tài liệu và tính lại trữ lượng từ cos -100m đến cos -300m mỏ than Cổ Kênh, xã Văn Đức và xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương; thi công đề án “Thăm dò quặng Apatit khai trường 25 xã Quang Kim và xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai”; thi công công trình hào, khoan, đề án “Thăm dò quặng thiếc - wolfram khu vực Bù Me thuộc xã Ngọc Phụng và xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”…

 Được sự quan tâm, lãnh đạo của Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm và sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương, Đoàn Địa chất 155 đã thực hiện nhiều đề án, đề tài, các hợp đồng kinh tế khảo sát địa chất và khoan thăm dò đạt kết quả cao, tìm ra nhiều tài nguyên cho Tổ quốc: quặng phóng xạ, quặng đất hiếm, barit, fluorit, sắt, titan… góp phần xây dựng Liên đoàn Địa chất ngày càng lớn mạnh. Cơ sở Đoàn Địa chất 155 ngày càng khang trang, khu tập thể phục vụ cán bộ viên chức lao động rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, thể hiện đời sống người lao động Đoàn Địa chất 155 ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Hiện nay, Đoàn Địa chất 155 có tổng số gần 30 CBNV, với  20% có trình độ từ kỹ sư, cử nhân trở lên. Đơn vị tạo điều kiện và khuyến khích VCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Một số cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật chủ chốt của Đoàn qua các thời kỳ hiện đã trưởng thành và là các cán bộ chuyên môn, cán bộ chủ chốt tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Công tác Đảng, công đoàn luôn được quan tâm và phát triển, trong những năm gần đây đã phát triển được nhiều đảng viên mới, nội bộ đoàn kết, không có các biểu hiện quan liêu, tham nhũng. Lực lượng đoàn viên thanh niên có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ. Đơn vị tham gia tích cực vào các phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ những đồng bào lũ lụt, các nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ các hoạt động xã hội khác tại khu tập thể và địa phương do Liên đoàn tổ chức.

Phát huy truyền thống xây dựng và phát triển 30 năm qua, đặc biệt từ những kết quả đạt được trong những năm gần đây trong 30 năm qua, Đoàn Địa chất 155 đã được ghi nhận bởi các danh hiệu: Tập thể lao động xuất sắc các năm 2008, 2010, 2011, 2013, 2014; được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương năm 2000; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2007, 2010, 2017; Giấy khen của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam năm 2016. Nhiều lượt tập thể và cá nhân của Đoàn Địa chất 155, Chi bộ Đoàn Địa chất 155, Công đoàn Đoàn Địa chất 155 được tặng Bằng khen, Giấy khen của các cấp bộ Đảng, chính quyền và Công đoàn cấp trên.

Vui mừng phấn khởi nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đoàn và đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vì thành tích lao động, sản xuất tìm tài nguyên cho Tổ quốc; cán bộ CNV Đoàn Địa chất 155 ra sức thi đua lao động, sản xuất, học tập và nghiên cứu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm.


Kỷ niệm 35 năm thành lập Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm 1978 - 2013
Hào khí Viêt Nam (Liên đoàn ĐỊa chất Xạ - Hiếm)
Văn nghệ Hội nghị Đại biểu Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm năm 2016
Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Nghiền mịn mẫu đất đá
Nghiền mịn mẫu đất đá

Hoạt động chuyên môn

Đơn vị trực thuộc

Đăng nhập

Văn bản pháp quy

Liên kết website

Hình ảnh liên đoàn

Copyrights 2017 Geological Division for Radioactive And Rare Elements. All rights reserved.