Logo

LIÊN ĐOÀN ĐỊA CHẤT XẠ - HIẾM, 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

In bài viết

     Ngay sau khi giành được độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 02/10/1945 Bộ Quốc dân Kinh tế đã ra Nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ trong đó có Nha Kỹ nghệ. Ngày 03/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh sáp nhập Sở Tổng thanh tra Khoáng chất và Kỹ nghệ thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương vào Bộ Quốc dân Kinh tế của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đây là tổ chức đầu tiên của ngành Địa chất Việt Nam. Tuy nhiên sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành được thắng lợi, từ năm 1955 trở đi công tác điều tra địa chất và tìm kiếm tài nguyên khoáng sản mới đẩy mạnh với nhiều Đoàn, Đội Địa chất, tham gia điều tra địa chất, tìm kiếm, thăm dò nhiều loại khoáng sản phục vụ đắc lực cho nền công nghiệp khai khoáng, góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế Quốc dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước. Đi cùng với sự hình thành và phát triển của ngành địa chất Việt Nam, chuyên ngành địa chất xạ hiếm đã ra đời, phát triển và khẳng định vị trí của mình trong chặng đường xây dựng, đấu tranh và phát triển của dân tộc.
      Ngày 28/6/1978 Chính phủ có Quyết định số 160/CP thành lập Liên đoàn Địa chất 10 với nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu tổng hợp, điều tra tiềm năng khoáng sản xạ hiếm và các nguyên tố đi kèm. Liên đoàn Địa chất 10 hình thành và kế thừa từ các đơn vị địa chất tìm kiếm quặng xạ hiếm. Đó là Đội tìm kiếm urani ở Pia Oăc, Cao Bằng (1955-1956); Đoàn địa chất 10 và Đoàn 14 tìm kiếm urani ở Cao Bằng (1957-1958); Đoàn Địa chất 16 (1958-1961); Đoàn địa chất 135 tìm kiếm quặng xạ hiếm trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam có trụ sở ở Yên Viên (1960-1963); Đoàn Địa chất 35 tìm kiếm bằng phương pháp từ xạ hàng không. Sau đó Đoàn Địa chất 135 sáp nhập vào Đoàn Địa chất 35 vừa làm nhiệm vụ tìm kiếm trên mặt đất kết hợp với tìm kiếm xạ hàng không, đóng ở Khương Thượng,  Hà Nội sau đó chuyển lên Vĩnh Phú (Tam Dương- Đồng Lạc) và cuối cùng ở Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu (1962- 1978) và đây là chính đơn vị tiền thân của Liên đoàn Địa chất 10, Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm ngày nay.
     Để phù hợp với nhiệm vụ được giao, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Liên đoàn được thay đổi theo thời gian: Đoàn Địa chất 150 (Xuân phương, Từ Liêm, Hà Nội), Đoàn Địa chất 151 (Phong Thổ, Lai Châu), Đoàn Địa chất 152 (Nguyên Bình, Cao Bằng). Đoàn Địa chất 153 (Thanh Sơn, Phú Thọ), Đoàn Địa chất 154 (Tam Kỳ, Quảng Nam), Đoàn Địa chất 155 và Xí nghiệp 156 (Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1997, Liên đoàn Địa chất 10 được đổi tên thành  Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm theo Quyết định số 890/QĐ-TCCB ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Hiện nay, Liên đoàn được tổ chức theo Quyết định số 392/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm có 4 đơn vị trực thuộc là: Đoàn Địa chất 154 (Số 2, Lê Vĩnh Huy, Tam Kỳ, Quảng Nam); Đoàn Địa chất 155 (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội); Trung tâm Phân tích thí nghiệm Xạ - Hiếm (trước năm 2012 là Xí nghiệp 156- Xuân Phương,  Nam Từ Liêm, Hà Nội); Trung tâm Quan trắc và Điều tra môi trường phóng xạ (thành lập năm 2012, trụ sở tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài cơ cấu các Phòng, đơn vị trực thuộc Liên đoàn còn có một số tổ Đề án trực thuộc.
     40 năm xây dựng và phát triển với sự phấn đấu lặng lẽ, bền bỉ cùng với thời gian và sự đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ cơ sở cùng sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo quản lý, sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân các địa phương nơi đóng quân và công tác, sự chia xẻ của các đơn vị bạn; các thế hệ đội ngũ cán bộ công nhân viên của Liên đoàn đã đoàn kết một lòng, lao động cần cù, sáng tạo vì sự nghiệp điều tra, nghiên cứu địa chất khoáng sản xạ hiếm và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Nhà nước giao cũng như các nhiệm vụ địa chất khác với các tổ chức, đơn vị trong, ngoài ngành. Những thành quả đó không những là dấu son trên chặng đường xây dựng và phát triển của Liên đoàn mà còn là cơ sở khoa học, thực tiễn cho công tác xây dựng quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
     Những thành tựu nổi bật mà bao thế hệ cán bộ công nhân viên Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm đã đạt được trên chặng đường xây dựng và phát triển đó là đã phát hiện, đánh giá tiềm năng của các mỏ đất hiếm có giá trị như các mỏ Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái), Gia Phú (Lào Cai)… Sau những năm 1980, công tác điều tra đánh giá về quặng urani được Nhà nước quan tâm đầu tư và kết quả công tác nghiên cứu, điều tra đã phát hiện, làm rõ tiềm năng quặng urani các mỏ như: urani Bình Đường (1985), urani trong than Nông Sơn (1988), urani trong graphit Tiên An (1990). Đặc biệt là việc khẳng định tiềm năng urani trong cát kết vùng trũng Nông Sơn là vùng có triển vọng nhất về urani ở nước ta hiện nay. Với các kết quả điều tra, đánh giá từ năm 1987 đến nay đã xác định trong vùng trũng Nông Sơn (Quảng Nam) có nhiều mỏ và điểm quặng urani có giá trị công nghiệp như: Khe Cao - Khe Hoa, Pà Lừa - Pà Rồng, Đông Nam Bến Giằng, Khe Lốt, An Điềm, … Trong đó mỏ urani Pà Lừa - Pà Rồng từ năm 2010 đến nay đã được đầu tư thăm dò phục vụ cho chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử ở nước ta. Đây là nhiệm vụ Chính phủ được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì quản lý, điều hành và Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm trực tiếp tổ chức thực hiện. Kết quả thăm dò trong những năm qua cho thấy hoàn toàn có căn cứ khẳng định việc hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ thăm dò đã được phê duyệt.
     Song song với công tác điều tra, đánh giá khoáng sản xạ hiếm, Liên đoàn còn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao: Đo vẽ bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Trạm Tấu (1999); Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Đồng Văn (2016- nay); Đánh giá triển vọng vàng dải Thèn Sin, Lai Châu; Đánh giá triển vọng chì kẽm Na Sơn, Hà Giang; Đánh giá triển vọng sa khoáng ven biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên; Đánh giá triển vọng quặng felspat các vùng Trà Dương, Trà My, Tiên Lập, Tiên Hiệp (Quảng Nam),…; Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trên các vùng mỏ phóng xạ và chứa phóng xạ trên phạm vi cả nước và đề xuất các biện pháp khắc phục; Khoanh định các diện tích có chứa khoáng sản độc hại trên phạm vi cả nước phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững,… Liên đoàn cũng đã thực hiện các nhiệm vụ phục vụ  công tác quản lý nhà nước của ngành như  Đề án “Thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản rắn (trừ vật liệu xây dựng thông thường); đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng và đề xuất biện pháp quản lý”. Trong những năm từ  2013 đến nay Liên đoàn được giao và hoàn thành nhiều nhiệm vụ “Xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước” các mỏ khoáng sản và nhiệm vụ “Giám sát thăm dò khoáng sản” do các doanh nghiệp thực hiện. Đồng thời trong những năm qua Liên đoàn cũng là một đơn vị chủ công trong thực hiện các nhiệm vụ Đề án Chính phủ do các đơn vị bạn tổ chức thực hiện: Đề án “Đánh giá tiềm năng tài nguyên urani Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản chủ trì; Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan- zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa Vũng Tàu” và Đề án “Điều tra đánh giá tiềm năng quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam Việt Nam”  do Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ chủ trì tổ chức. Các đề án, dự án về môi trường phóng xạ do Liên đoàn Vật lý Địa chất chủ trì: Đề án “Thành lập bản đồ phông bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000”; Dự án “Đánh giá chi tiết các diện tích ô nhiễm môi trường phóng xạ vùng Tây Bắc Việt Nam ...”.
     Ngoài các nhiệm vụ điều tra, đánh giá khoáng sản do Nhà nước giao, Liên đoàn luôn quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ kỹ thuật, quản lý tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã hoàn thành và được đánh giá cao như: “Thành lập sơ đồ sinh khoáng và chuẩn đoán quặng Urani trên lãnh thổ Việt Nam tỷ lệ 1:500.000”, “Đánh giá tiềm năng urani và một số nguyên liệu khoáng phục vụ cho công nghiệp năng lượng nguyên tử trên lãnh thổ CHXHCNVN”, “Xây dựng cơ sở dữ liệu xạ hiếm”, … Đặc biệt trong những năm gần đây, Liên đoàn đã hoàn thành hàng loạt các công trình nghiên cứu khoa học như: Nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ điều tra nước dưới đất trên các vùng có điện trở suất cao bằng phương pháp từ telue âm tần, ứng dụng thử nghiệm cho một số vùng cụ thể (2009); Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định mức độ ô nhiễm môi trường của các nguồn phóng xạ tự nhiên để xây dựng quy trình công nghệ đánh giá chi tiết các vùng ô nhiễm phóng xạ tự nhiên (2009); Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học phục vụ công tác đánh giá an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ vùng Thành Mỹ và đề xuất giải pháp phòng ngừa (2009 - 2010); Nghiên cứu xác định hệ số cân bằng phóng xạ và hệ số eman hóa đối với quặng urani trong cát kết vùng trũng Nông Sơn (2009 - 2010); Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xác định mức chiếu xạ tự nhiên có khả năng gây hại cho con người (thực hiện năm 2010); nghiên cứu xây dựng các mô hình kiểu mỏ urani trong cát kết ở Việt Nam (2011), Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng mô hình các kiểu mỏ đất hiếm ở Tây Bắc Việt Nam (2012-2014); Nghiên cứu ứng dụng phương pháp đo nồng độ khí hêli trong tìm kiếm quặng phóng xạ và nghiên cứu địa chất (2012); Nghiên cứu xây dựng quy trình phân tích mẫu phóng xạ trên máy phổ ORTEC- GEM 30 và máy phân tích tổng hoạt độ alpha, beta UMF- 2000 (2012-2014); Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng quy trình phân tích các nhóm nguyên tố urani, thori và đất hiếm trong đất, đá, nước trên hệ thiết bị ICP-MS Agilent 7700x (2014-2016); Nghiên cứu xây dựng mô hình lan truyền khí phóng xạ độc hại trong môi trường không khí lân cận khu vực có chứa mỏ phóng xạ (2016)...
     Qua thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học của Liên đoàn đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, nhất là về chuyên môn có đủ khả năng đảm nhiệm các đề tài KHCN cấp Bộ, cấp Nhà nước, đồng thời có thể độc lập cũng như phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước hoàn thành các niệm vụ được giao.
     Trong điều kiện đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa bảo đảm đủ việc làm cho CBCNV, Liên đoàn đã tích cực chủ động mở rộng hoạt động dịch vụ địa chất. Thực tế cho thấy trong nhiều năm gần đây, đặc biệt những năm 2009 -2015, doanh thu từ dịch vụ địa chất tăng trưởng ngang bằng với nguồn đầu tư từ ngân sách đã góp phần đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho viên chức lao động của Liên đoàn và là động lực củng cố, tăng cường năng lực chuyên môn của Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc. Từ năm 2015 đến nay, Liên đoàn đã tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ điều tra, đánh giá khoáng sản vàng, sắt… bằng nguồn vốn xã hội hoá theo Thông tư Liên tịch số 61/2014/TTLT-BTNMT-BKHĐT-BTC ngày 14/11/2014. Các hoạt động dịch vụ địa chất, khoáng sản tiêu biểu trong những năm qua là:
+ Khai thác chế biến khoáng sản fluorit, đá phiến lợp, đá xây dựng, felspat, nước khoáng đóng chai để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu (đá phiến lợp) từ năm 1992 đến năm 2005.
+ Điều tra, đánh giá khoáng sản.
+ Thăm dò khoáng sản.
+ Thi công các công trình địa chất khoan, hào, giếng, trắc địa, địa vật lý.
+ Điều tra, đánh giá môi trường, đặc biệt là môi trường phóng xạ.
+ Gia công, phân tích mẫu bằng các phương pháp: hoá, khoáng vật, trọng sa, quang phổ khối ICP-MS, phổ gamma phông thấp, phổ anpha, beta, tham số xạ…
     Trong những năm qua, đặc biệt 10 năm trở lại đây Liên đoàn đã hoàn thành hàng trăm hợp đồng thăm dò nhiều loại khoáng sản: đất hiếm, sa khoáng titan- zircon, sắt, đồng, chì kẽm, vàng, khoáng chất công nghiệp… với nhiều hợp đồng có giá trị  lớn đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng được đối tác và Hội đồng xét duyệt các cấp đánh giá cao. Trong nhiều năm qua Liên đoàn luôn là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch cấp trên giao cũng như kế hoạch dịch vụ, do vậy thu nhập CBCNV ngày càng được nâng cao, đời sống ngày càng được cải thiện, cơ sở vật chất của đơn vị ngày càng được bổ sung, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất trong tình hình mới. Đồng thời Liên đoàn đã tự khẳng định được mình trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, xây dựng được thương hiệu Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, lực lượng lao động, xây dựng củng cố và phát triển được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ chuyên môn ngày càng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị, bổ sung lực lượng cho ngành, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học, cải tiến công tác quản lý, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.
     Kế thừa những thế hệ đi trước, 40 năm qua, đội ngũ khoa học kỹ thuật của Liên đoàn đã không ngừng được trưởng thành, công tác tuyển dụng, đào tạo và tự đào tạo luôn được Đảng ủy, lãnh đạo Liên đoàn quan tâm. Chính vì vậy lực lượng kỹ thuật của Liên đoàn từ lực lượng chủ yếu cán bộ trung cấp, một số ít có trình độ đại học, đến nay đã có đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, được đào tạo bài bản với trên 70% có trình độ đại học, trong đó nhiều người có trình độ trên đại học, đáp ứng đủ năng lực để hoành thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn và nghiên cứu KHCN. Trong những năm qua, nhiều cán bộ kỹ thuật và quản lý của Liên đoàn được tín nhiệm đề bạt, bổ nhiệm trở thành cán bộ kỹ thuật, quản lý chủ chốt ở các cơ quan cấp trên.
     Ngoài quan tâm đến chiến lược về con người, Liên đoàn luôn quan tâm đến việc xây dựng gia đình, cơ quan văn hóa, xây dựng ban hành và bổ sung, hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế chi tiêu nội bộ và nhiều quy chế, quy định nội bộ khác; tổ chức ký kết và thực hiện thỏa thuận lao động, hàng năm công khai các hoạt động của Liên đoàn thông qua Hội nghị cán bộ công nhân viên chức. Duy trì nề nếp kiểm tra, nghiệm thu nhằm nâng cao chất lượng các đề án báo cáo, đẩy mạnh các phong trào thi đua, cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường công tác bảo hộ lao động. Lực lượng lao động kể cả cán bộ quản lý 100% được huấn luyện ATVSLĐ và cấp sổ ATLĐ, tổ chức và củng cố mạng lưới an toàn viên trong đơn vị. Cán bộ công nhân viên trong Liên đoàn đều có việc làm, quyền lợi, chế độ chính sách của người lao động được đảm bảo, nhờ đó trong những năm gần đây Liên đoàn đã thu hút và tuyển dụng được nhiều cán bộ trẻ về làm việc. Công tác quốc phòng, an ninh được Liên đoàn thực hiện nghiêm túc. Quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng địa bàn an toàn, an ninh trật tự được giữ vững, tự vệ Liên đoàn 30 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, duy trì việc đóng góp quỹ tình nghĩa để trợ cấp cho các CBVCLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm liền tổ chức tri ân tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa bàn thi công Đề án thăm dò urani ở Nam Giang, Quảng Nam.
     Với những thành tích đã đạt được, Liên đoàn đã nhiều năm được Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Công nghiệp, hiện nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là tập thể lao động xuất sắc, Liên đoàn và nhiều tập thể cá nhân trực thuộc được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen, cờ thi đua của Bộ trưởng và của UBND các địa phương nơi đóng quân. Đặc biệt Liên đoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (1988), Huân chương lao động hạng Nhì (1998), Huân chương lao động hạng Nhất (2007), Huân chương Độc lập hạng Ba (2013) và Cờ Thi đua của Chính phủ (2018). Nhiều năm liền Đảng bộ Liên đoàn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Công đoàn cơ sở liên tục trên 20 năm qua đạt danh hiệu xuất sắc với nhiều Cờ thi đua, Bằng khen từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Viên chức Việt Nam; nhiều Giấy khen của Công đoàn Bộ, Công đoàn Tổng cục và Công đoàn các địa phương. Đoàn TNCS HCM Liên đoàn đã được Trung ương Đoàn, các cấp bộ Đoàn cấp trên tặng Bằng khen, Giấy khen. Ban nữ công Liên đoàn được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp Hội Phụ nữ. Lực lượng dân quân tự vệ nhiều năm liền đạt danh hiệu Quyết thắng, dành được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ chỉ huy quân sự các địa phương và của Bộ Nội vụ vì thành tích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc... Nhiều cá nhân được trao tặng Huy chương, Kỷ niệm chương vì sự xây dựng và phát triển ngành địa chất, ngành Công nghiệp Việt Nam, vì sự nghiệp bảo vệ Tài nguyên và Môi trường, vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn và Huy chương danh dự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 
Đạt được những thành tích nêu trên ngoài sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của các thế hệ CBVCLĐ Liên đoàn, còn là sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của quản lý, lãnh đạo cấp trên, sự chia sẻ, giúp đỡ tận tình của nhân dân và các cấp chính quyền nơi Liên đoàn công tác, của lãnh đạo và VCLĐ các đơn vị bạn; còn là sự lãnh đạo của Đảng ủy Liên đoàn và quan trọng hơn cả là truyền thống đoàn kết nội bộ của Đảng bộ và toàn thể CBVCLĐ Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm.
     Ngày nay, phát huy những kết quả lớn lao được hình thành và kết trái qua hơn nửa thế kỷ của ngành địa chất và của các đơn vị chuyên ngành xạ hiếm, đặc biệt là thành quả xây dựng và phát triển 40 năm qua; Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm tiếp tục đoàn kết phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn được giao đặc biệt là kết thúc thành công Đề án “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa- Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam” vào năm 2020; hoàn thành tốt  Đề án “Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Đồng Văn”, các nhiệm vụ quan trắc, điều tra, đánh giá môi trường phóng xạ; triển khai thắng lợi các nhiệm vụ thành phần thuộc Dự án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”. Đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ điều tra, đánh giá khoáng sản thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 61/2014/TTLT-BTNMT-BKHĐT-BTC cùng các nhiệm vụ khác đã và sẽ được nhà nước giao. Tiếp tục phát triển có hiệu quả hoạt động dịch vụ địa chất phục vụ nhu cầu của xã hội. Hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Tăng cường năng lực thiết bị công nghệ dần đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Củng cố hoàn thiện hệ thống quychế nội bộ nhằm phát huy được tối đa năng lực của Liên đoàn và các đơn vị trực thuộc, đáp ứng các yêu cầu của cơ chế thị trường định hướng XHCN, dần chuyển sang hình thức đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo yêu cầu của đất nước.
     40 năm là thời gian đủ dài để đánh giá lại một quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị, nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của những thế hệ con người địa chất xạ hiếm đã đi để có được hôm nay, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả mà Liên đoàn đã đạt được, đây sẽ là nguồn động lực lớn thúc đẩy tinh thần của đội ngũ cán bộ viên chức lao động Liên đoàn phấn đấu lao động, nghiên cứu và học tập không ngừng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao trong công cuộc tìm kiếm, thăm dò và bảo vệ  tài nguyên môi trường của đất nước, viết tiếp những trang sử phát triển bền vững mang tên Địa chất Xạ - Hiếm./.

\

 
 Ths. Nguyễn Trường Giang
Bí thư Đảng ủy, Liên đoàn trưởng

 

NHỮNG NỘI DUNG KHÁC

Kỷ niệm 35 năm thành lập Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm 1978 - 2013
Hào khí Viêt Nam (Liên đoàn ĐỊa chất Xạ - Hiếm)
Văn nghệ Hội nghị Đại biểu Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm năm 2016
Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Nghiền mịn mẫu đất đá
Nghiền mịn mẫu đất đá

Hình ảnh liên đoàn

Copyrights 2017 Geological Division for Radioactive And Rare Elements. All rights reserved.