Logo

TIỀM NĂNG TÀI NGUYÊN VÀ PHÂN VÙNG TRIỂN VỌNG QUẶNG ĐẤT HIẾM Ở TÂY BẮC VIỆT NAM

In bài viết

Tóm tắt:
Kết quả nghiên cứu, điều tra địa chất đến nay đã chứng minh rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng đất hiếm đặc biệt là ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Ngoài các mỏ, điểm mỏ đã được phát hiện còn có nhiều tiền đề và dấu hiệu liên quan đến đất hiếm có mặt trong nhiều thành tạo địa chất khác nhau. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của mình và tổng hợp các thành tựu nghiên cứu hiện có, bài viết giới thiệu những kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng mô hình các kiểu mỏ đất hiếm ở Tây Bắc Việt Nam” hoàn thành năm 2016 về đặc điểm các kiểu mỏ đất hiếm, đồng thời bước đầu làm rõ tiềm năng tài nguyên đất hiếm ở Tây Bắc Việt Nam, đây là cơ sở quan trọng góp phần định hướng công tác nghiên cứu tiếp theo.
1. MỞ ĐẦU
Đất hiếm ngày càng được sử dụng rộng rãi và có vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại. Đất hiếm được xem là nguyên liệu chìa khóa cho hàng ngàn ứng dụng kỹ thuật cao, trở thành loại khoáng sản chiến lược, có giá trị đặc biệt không thể thay thế trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng,... Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các ngành công nghệ cao dẫn đến nhu cầu đất hiếm ngày càng tăng.
Việt Nam thuộc nhóm các nước có tiềm năng về khoáng sản đất hiếm, các mỏ đất hiếm quy mô lớn đều tập trung ở khu vực tỉnh Lai Châu: Đông Pao, Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe. Xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoáng sản đất hiếm ngày càng gia tăng, công tác điều tra, thăm dò phục vụ khai thác và chế biến loại khoáng sản này trở nên cấp thiết.
2. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT VÀ QUẶNG HÓA CÁC MỎ ĐẤT HIẾM Ở TÂY BẮC VIỆT NAM
Các kết quả nghiên cứu đã xác lập được 5 kiểu mỏ đất hiếm ở Tây Bắc Việt Nam gồm: kiểu mỏ carbonatit (mỏ Đông Pao và mỏ Bắc Nậm Xe), kiểu mỏ laterit - dạng hập phụ ion (mỏ Bến Đền), kiểu mỏ sa khoáng eluvi - deluvi (mỏ Mường Hum), kiểu mỏ dạng mạch (mỏ Nam Nậm Xe), kiểu mỏ sắt - đất hiếm (mỏ Yên Phú). Trong đó kiểu mỏ carbonatit có quy mô lớn hơn cả và phân bố tập trung tạo thành vùng quặng đất hiếm rất triển vọng ở Tây Bắc Việt Nam; kiểu mỏ laterit - dạng hấp phụ ion là kiểu mỏ đất hiếm lần đầu tiên được xác lập ở Việt Nam, mặc dù có hàm lượng đất hiếm không cao (0,084%) song công nghệ tách tuyển khá thuận lợi và trong sản phẩm quặng tuyển không chứa các nguyên tố phóng xạ.
2.1. Kiểu mỏ carbonatit
2.1.1. Mỏ đất hiếm Đông Pao
Mỏ Đông Pao xuất lộ trên diện tích khoảng 12 km2, bao gồm 60 thân quặng, trong đó có 16 thân quặng có kích thước lớn có giá trị công nghiệp. Hầu hết các thân quặng lớn của mỏ Đông Pao phân bố ở phần rìa, ven rìa bên trong khối syenit Đông Pao thuộc phức hệ Pu Sam Cap. Ở phần trung tâm của khối syenit này hầu như chỉ gặp được các thân quặng nhỏ như các thân F.1, F.2, F.4, F.30, F.31, F.32… Trong 60 thân quặng đã phát hiện hầu hết có dạng mạch, dạng thấu kính với hình thái tương đối phức tạp. Trong các thân quặng có mặt các khoáng vật barit, fluorit, bastnezit, inmenorutin, manhetit, granat, egyrin, babingtonit, ribeckit, biotit, muscovit, felspat, calcit, thạch anh… Ngoài ra, trong các thân quặng còn có các nguyên tố đi cùng Nb, Ta, U, Th.
Đất hiếm trong mỏ Đông Pao chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm ceri). Ngoài đất hiếm trong mỏ Đông Pao còn có quặng fluorit với hàm lượng trung bình ≥15% CaF2 và quặng barit với hàm lượng trung bình ≥ 20% BaSO4 .

2.1.2. Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe

Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có hai kiểu loại hình quặng chính, một kiểu quặng nguyên sinh (quặng gốc) được thành tạo do quá trình nhiệt dịch biến chất trao đổi - lấp đầy khe nứt; kiểu thứ sinh (quặng phong hoá) được thành tạo do quá trình phong hoá quặng nguyên sinh và tái làm giàu trong đới biểu sinh (quặng phong hoá tàn dư).
- Quặng gốc ở đây được tập trung chủ yếu dưới dạng stocvec, thấu kính, ổ phân bố trong đới biến chất trao đổi của hệ tầng Na Vang, quặng nằm trong đá vôi, đá vôi hoa hóa, minet hạt nhỏ.
- Quặng phong hóa: quặng phong hóa thuộc loại hình quặng phong hóa tàn dư. Thân quặng phong hóa phủ trùm lên thân quặng gốc, quặng có nhiều màu khác nhau, phụ thuộc vào thành phần và mức độ phong hóa của đá gốc, đặc biệt là các khoáng vật chứa Fe và Mn.
Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có thành phần khoáng vật đặc biệt phức tạp. Kết quả thăm dò mỏ và nghiên cứu chuyên đề đã xác định trong mỏ có trên 80 khoáng vật khác nhau thuộc các nhóm oxit, carbonat và sulfat. Trong đó chủ yếu là các khoáng vật thuộc nhóm carbonat: bastnezit, parizit, cacboceanit, cocdinit, fluocerit, xinkhizit, troncianit, ankinit, lantanit, marinianit, urapiroclo, octit, briolit, monazit, xenotim, uranokiecxit, autonit, barit, fluorit, apatit, canxit, manhetit, ilmenit, pyrit, pyrotin, galenit,sfalezit… Đất hiếm trong mỏ Bắc Nậm Xe chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm ceri). Hàm lượng ∑TR2O3 trong quặng phong hóa dao động từ 0,002 ÷ 31,26%, trung bình 4,675% thuộc loại quặng nghèo, thori từ 0,01 ÷ 0,04%, U3O8 từ 0,01 ÷ 0,02% và Nb2O5 từ 0,0026 ÷ 0,15%.

2.2. Kiểu mỏ đất hiếm dạng mạch

Khác với mỏ Bắc Nậm Xe, ở mỏ Nam Nậm Xe, thành hệ địa chất vây quanh quặng là các thành tạo trầm tích phun trào mafic thuộc hệ tầng Viên Nam (T1vn) bị biến chất trao đổi tạo thành các đá có màu đen, xám xanh đến xám lục. Ở mỏ Nam Nậm Xe đã xác định được 58 thân quặng, mạch quặng lớn nhỏ. Các thân quặng được đặc trưng bởi các mạch đất hiếm - barit - calcit chạy song song gần nhau, kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam, cắm về phía Tây Nam 15 ¸ 250. Thành phần khoáng vật trong các thân quặng đều tương tự nhau và gồm: parizit, barit, canxit, dolomit, ankerit, bastnezit, elogopit, magnetit, apatit, hematit, octit, pyrit, chancopyrit, galenit, sfalezit, fluorit, microlin, thạch anh, anbit, ferodolomit. Đất hiếm phân bố không đồng đều trong các thân quặng, thường tích tụ ở dạng mạch nhỏ hoặc ổ quặng giàu có bề dày hoặc đường kính thay đổi từ  2 ÷ 3cm đến 40÷50cm. Đất hiếm trong mỏ Nam Nậm Xe chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm ceri). Hàm lượng ∑TR2O3 trong các thân quặng dao động từ 0,02¸36,26%, trung bình 4,128%; ngoài đất hiếm trong mỏ còn có barit với hàm lượng trung bình 18,35% BaSO4.

2.3. Kiểu mỏ sắt - đất hiếm

- Mỏ đất hiếm Yên Phú gồm có hai thân quặng dạng thấu kính phân bố trong đá phiến thạch anh - sericit, phiến sét sericit và đá vôi bị hoa hóa của hệ tầng Sông Mua (D1sm). Trong quặng đất hiếm Yên Phú đã xác nhận có mặt các khoáng vật fecguxonit, xenotim, monazit, samackit, octit, checrolit, manhetit, mactit, hematit, limonit, psilomelan, ilmenit, rutin, pyrit. Hàm lượng: ΣTR2O3 = 1,19%, Th02 = 0,003%, U30 8= 0,02%, Nb20 5= 0,03%, T.Fe =29,91%.

2.4. Kiểu mỏ sa khoáng eluvi - deluvi

Mỏ đất hiếm Mường Hum gồm 9 thân quặng chính phân bố trong các trầm tích bở rời dăm, cuội, cát, bột, sét tuổi N-Q. Thân quặng dạng thấu kính nằm ngang hoặc dốc thoải phân bố thành hai dải kéo dài dọc theo thung lũng từ Mường Hum đến Nậm Pung phương Tây Bắc - Đông Nam.
Thành phần khoáng vật quặng đất hiếm ở mỏ Mường Hum bao gồm chủ yếu là tập hợp các khoáng vật nặng bền vững trong điều kiện ngoại sinh đặc trưng cho loại hình quặng sa khoáng gồm: monazit, thori, oxinit, bastnezit, checchit, smacskit, thạch anh, manhetit, ilmenit, inmenorutin, zircon, octit, sphen, barit. Hàm lượng TR2O3 trong mỏ dao động từ 0,78 ÷ 3,02%, trung bình 1,45% TR2O3, thori từ 0,106 ÷ 0,188% ThO2, trung bình 0,157% ThO2, urani từ 0,012 ÷ 0,028% U3O8, trung bình 0,016% U3O8.

2.5. Kiểu mỏ laterit - dạng hấp phụ ion

Mỏ đất hiếm Bến Đền theo các kết quả nghiên cứu [8,11] đã phát hiện được 2 thân quặng đất hiếm phân bố trong vỏ phong hóa của phức hệ Xóm Giấu, kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam, chiều dày đới phong hoá từ 5,3-24,3m. Quặng đất hiếm tồn tại dưới dạng hấp thụ ion trong các khoáng vật kaolinit, tàn dư thạch anh và felspat. Hàm lượng ΣTR2O3 = 0,094-0,111%.
3. TIỀM NĂNG ĐẤT HIẾM Ở TÂY BẮC VIỆT NAM
Tài nguyên đất hiếm xác định đã được các đoàn Địa chất thuộc Liên đoàn Địa chất 10, nay là Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm tính toán. Các báo cáo kết quả thăm dò sơ bộ, tìm kiếm đánh giá, tìm kiếm chi tiết đã được Hội  đồng  Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia hoặc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xét duyệt và phê chuẩn theo Luật Khoáng sản. Trong tính toán tài nguyên - trữ lượng đất hiếm các nhà địa chất Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm đã áp dụng các phương pháp như: Phương pháp khối địa chất, phương pháp mặt cắt địa chất song song và không song song... để tính toán. Trong bài viết này, trên cơ sở kết quả nghiên cứu chúng tôi tiến hành thống kê, kiểm tra và chuyển đổi các kết quả đã tính toán theo hệ thống phân cấp tài nguyên - trữ lượng năm 1973 sang hệ thống phân cấp tài nguyên - trữ lượng theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTNMT ngày 07 tháng 06 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phân cấp tài nguyên, trữ lượng khoáng sản rắn.
Kết quả đánh giá tài nguyên xác định như sau: tổng tài nguyên đất hiếm đã xác định ở Tây Bắc Việt Nam tính ở các cấp 121; 122; 222 và 333 là 12.092,2 nghìn tấn TR2O3. Trong đó, trữ lượng cấp 121+122 là 2.519,8 nghìn tấn TR2O3. Tài nguyên đất hiếm xác định tập trung chủ yếu trong kiểu mỏ đất hiếm carbonatit. Ngoài ra tài nguyên xác định của các khoáng sản đi kèm như barit đạt 23.107,9 nghìn tấn BaSO4 và fluorit đạt 11.012,2 nghìn tấn CaF2. Với số lượng tài nguyên đất hiếm nêu trên, khu vực Tây Bắc Việt Nam được đánh giá là khu vực có tiềm năng lớn về đất hiếm.
4. PHÂN VÙNG TRIỂN VỌNG QUẶNG ĐẤT HIẾM Ở TÂY BẮC VIỆT NAM
4.1. Các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm quặng đất hiếm
Kết quả nghiên cứu đặc điểm địa chất các mỏ đất hiếm ỏ Tây Bắc Việt Nam, các yếu tố địa chất liên quan và khống chế quặng hoá đất hiếm nêu trên và đối sánh với các tài liệu của nước ngoài, cho phép xác lập các tiền đề và dấu hiệu để tìm kiếm và điều tra đánh giá quặng đất hiếm như sau.
4.1.1. Tiền đề tìm kiếm
* Tiền đề magma: sự phân bố của các loại đá magma xâm nhập kiềm của phức hệ: Mường Hum, Xóm Giấu, Nậm Xe - Tam Đường (Pu Xam Cáp), YeYenSun, Phu Sa Phìn là các đá bão hoà nhôm và là đá kiềm trội kali (trừ phức hệ Phu Sa Phìn trội natri). Kết quả tìm kiếm quặng đất hiếm cho thấy, các thân quặng đất hiếm thường nằm ven rìa các khối xâm nhập, ngoài ra cũng cần chú ý đến phần vỏ phong hoá của các khối xâm nhập kiềm.
* Tiền đề kiến trúc: các đới dập vỡ kiến tạo phát triển phổ biến trong vùng là điều kiện thuận lợi cho quá trình thành tạo đất hiếm nội sinh. Kết quả nghiên cứu ở vùng Đông Pao cho thấy: các thân quặng phát triển theo các đứt gãy, khe nứt theo các phương khác nhau: phương Tây Bắc - Đông Nam, Đông Bắc - Tây Nam, á vĩ tuyến. Tuy vậy, các thân quặng có kích thước lớn chủ yếu liên quan với hệ thống đứt gãy phương Tây Bắc - Đông Nam. Như vậy, yếu tố kiến trúc (đứt gãy, hệ thống đới dập vỡ và khe nứt đi cùng) cũng là tiền đề thuận lợi cho quá trình tích tụ quặng đất hiếm nội sinh; đặc biệt các đứt gãy phát triển ở khu vực có mặt các thành tạo magma bão hòa nhôm thuộc loại đá kiềm và á kiềm.
* Tiền đề địa mạo: trong các mỏ đất hiếm ở Tây Bắc có 2 loại hình quặng chủ yếu là quặng gốc (Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe) và quặng phong hoá (Bắc Nậm Xe, Bến Đền, Mường Hum, Đông Pao, Yên Phú…). Do vậy, việc nghiên cứu đặc điểm địa mạo - vỏ phong hoá là cần thiết, nhằm góp phần làm sáng tỏ môi trường thuận lợi của địa hình địa mạo cho sự thành tạo các mỏ, điểm quặng đất hiếm trong vỏ phong hoá. Đây chính là tiền đề thuận lợi liên quan đến quá trình thành tạo quặng trong vỏ phong hoá ở khu vực Tây Bắc nói riêng, trên lãnh thổ Việt Nam nói chung. Các quá trình địa chất ngoại sinh có liên quan mật thiết với địa hình, địa mạo. Kết quả nghiên cứu đất hiếm trên các mỏ Đông Pao, Nậm Xe cho thấy vỏ phong hoá phát triển trên các đá syenit, granosyenit có qui mô tương đối lớn, chiều dày vỏ phong hoá tương đối dày, đó là kiểu địa hình có vòm tròn, độ dốc sườn thoải. Trong vỏ phong hoá trên các khối magma trên có sự tập trung các khoáng vật của các nguyên tố đất hiếm có thể tạo thành thân quặng có giá trị công nghiệp. Như vậy, trong tìm kiếm cần chú ý tới các diện tích phân bố các đá syenit, granosyenit có địa hình ít bị phân cắt mức độ bào mòn kém.

4.1.2. Dấu hiệu tìm kiếm

* Các biểu hiện quặng hoá đất hiếm: các điểm khoáng hóa, biểu hiện khoáng hoá, điểm quặng, thân quặng đất hiếm, vành phân tán tảng lăn có chứa đất hiếm đã phát hiện trong quá trình đo vẽ bản đồ tỷ lệ 1: 200.000 và 1: 50.000 là dấu hiệu trực tiếp và quan trọng trong quá trình lựa chọn diện tích để tiến hành công tác tìm kiếm, điều tra đánh giá quặng đất hiếm.
* Các vành phân tán trọng sa: theo kết quả nghiên cứu trước đây, trong thành phần quặng ở vùng Đông Pao, ngoài đất hiếm còn có barait, fluorit luôn là những thành phần đi cùng. Kết quả nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các khoáng vật trọng sa ở mỏ Đông Pao chủ yếu gồm barit, fluorit, xenotim, zircon. Như vậy, các vành phân tán của các khoáng vật nói trên hầu hết tập trung bao quanh vị trí các thân quặng đã phát hiện. Vì vậy, vành phân tán trọng sa của barit, fluorit, xenotim, zircon là dấu hiệu tìm kiếm các thân quặng đất hiếm kiểu quặng Đông Pao nói riêng, quặng đất hiếm nói chung. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả của phương pháp này cần phải nghiên cứu áp dụng phương pháp đãi mẫu phù hợp và lựa chọn độ sâu lấy mẫu hợp lý.
* Dị thường địa hoá: dị thường địa hoá là dấu hiệu quan trọng trong công tác tìm kiếm đất hiếm và khoáng sản đi cùng. Dựa vào kết quả xử lý mẫu kim lượng nguyên sinh, thứ sinh và các kết quả tìm kiếm đất hiếm ở một số mỏ đất hiếm: Nậm Xe, Mường Hum đều xác nhận vành phân tán kim lượng nguyên sinh và thứ sinh của Ce, La, Gd, Y, Yb là dấu hiệu trực tiếp tìm kiếm đất hiếm. Ngoài ra, trong tìm kiếm bằng phương pháp địa hoá nguyên sinh cần chú ý vành phân bố của Mo, tìm kiếm bằng phương pháp địa hoá thứ sinh chú ý vành phân tán của Pb.
Để nâng cao độ tin cậy của phương pháp địa hoá cần đặc biệt chú ý công tác lấy mẫu (độ sâu, vị trí) và độ nhạy phương pháp phân tích.
* Dấu hiệu dị thường địa vật lý: trong quặng đất hiếm phần lớn có các khoáng vật chứa các nguyên tố phóng xạ urani, thori. Kết quả xử lý thống kê  các tập mẫu phân tích hoá ở các mỏ Đông Pao, Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe cho thấy giữa đất hiếm cường độ phóng xạ ở các thân quặng có quan hệ thuận khá chặt chẽ. Kết quả tính tương quan giữa cường độ phóng xạ và hàm lượng đất hiếm như sau:
- Mỏ đất hiếm Đông Pao R = 0,50
- Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe R = 0,53
- Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe R = 0,69
Do có sự tương quan khá chặt chẽ giữa các nguyên tố đất hiếm với nguyên tố phóng xạ, nên có thể sử dụng các dị thường phóng xạ để tìm kiếm các thân quặng đất hiếm.
4.2. Phân vùng triển vọng

4.2.1. Cơ sở lựa chọn diện tích khảo sát, đánh giá

Thực tiễn công tác tìm kiếm các mỏ đất hiếm vùng Tây Bắc Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ luận điểm khoa học của các nhà khoa học địa chất về quy luật sinh thành các mỏ khoáng có quy mô lớn, trung bình và nhỏ trong một tỉnh sinh khoáng như Tây Bắc Việt Nam theo quy luật tỷ lệ 1 : 7 : 49 (A.P.Xolovova và nnk, 1968), 1 : 9 : 90 (P.A.Bunkin, 1981), 1 : 3,3 : 10 (V.I. Kratnhicov,1965). Việc tiếp tục tìm kiếm phát hiện các mỏ nhỏ và trung bình ở vùng Tây Bắc Việt Nam là cần thiết và có cơ sở khoa học và thực tiễn để hy vọng. Đặc biệt cần chú trọng các mỏ ẩn, mỏ chôn vùi và mỏ phong hóa hấp phụ ion.
Trên cơ sở đó lựa chọn các diện tích có triển vọng để tiến hành điều tra, đánh giá và khoanh định các diện tích điều tra dựa trên các tiêu chí chủ yếu sau:
- Mức độ tập trung quặng đất hiếm: đây là yếu tố quan trọng, phản ánh quy mô, số lượng các mỏ, điểm, biểu hiện quặng hóa đã được phát hiện.
- Mức độ nghiên cứu: phản ánh qua việc thi công các phương pháp nghiên cứu phần thực địa và mức độ tin cậy trong việc phát hiện và khoanh nối các thân quặng, đới quặng. Các vị trí có biểu hiện khoáng hoá đất hiếm đã phát hiện, nhưng chưa được đánh giá chi tiết.
- Các tiền đề và dấu hiệu quặng hóa: phản ánh khả năng có thể phát hiện quặng đất hiếm ở các diện tích có điều kiện thuận lợi cho quá trình tạo quặng.
+ Sự có mặt của các phức hệ magma á kiềm, kiềm hoặc siêu kiềm, bão hoà nhôm (phức hệ Mường Hum, Phu Sa Phìn, Pu Sam Cáp, Nậm Xe - Tam Đường....), phức hệ magma granit giàu felpat kali màu hồng nhạt, granit pegmatit (phức hệ Xóm Giấu).. có thể chứa hoặc liên quan đến khoáng hóa đất hiếm và các kim loại phân tán.
+ Các vành phân tán khoáng vật, địa hóa của đất hiếm hoặc khoáng vật, nguyên tố cộng sinh.
+ Các vành dị thường địa vật lý phóng xạ và dị thường từ, …
4.2.2.  Kết quả phân vùng triển vọng
Căn cứ các nguyên tắc nêu trên, tập thể tác giả đã khoanh định được 4 diện tích có triển vọng về đất hiếm để tiến hành khảo sát, đánh giá như sau (Sơ đồ phân vùng triển vọng dưới đây):
 - Diện tích Hoàng Liên Sơn: thuộc địa phận huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, giới hạn từ phía Nam mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe thuộc xã Nậm Xe kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam đến xã Mù Sang, có diện tích khoảng 200 km2. Diện tích được khoanh định trên cơ sở diện phân bố các đá mạch lamprophia (chủ yếu là minet). Trong diện tích bao gồm mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe và mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe đã được thăm dò, các điểm quặng Thèn Thầu, Bản Lang, Phai Cát, Tà Lèng, Sín Chải. Quặng hóa đất hiếm phân bố trong các đá vôi (hệ tầng Na Vang), đá phun trào (hệ tầng Viên Nam) bị biến chất trao đổi, đá minet thuộc kiểu mỏ carbonatit liên quan với các đá mạch lamprophia trong vùng nghiên cứu.
- Diện tích Thèn Sin - Bình Lư: thuộc địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, giới hạn từ phía Tây Bắc xã Thèn Sin tiếp giáp với xã Nậm Xe kéo dài đến Bình Lư, có diện tích khoảng 320 km2 . Diện tích được khoanh định trên cơ sở diện phân bố của các đá syenit phức hệ Pusamcap. Trong diện tích bao gồm mỏ đất hiếm Đông Pao đã được thăm dò, các điểm quặng Cốc Pa, Bình Lư. Quặng hóa đất hiếm phân bố trong đá syenit của phức hệ Pusamcap và đá vôi của hệ tầng Đồng Giao thuộc kiểu mỏ carbonatit.
- Diện tích Mường Hum - Nậm Pung: thuộc địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, giới hạn từ xã Tả Giàng Phìn ở phía Nam kéo dài đến xã Dền Sáng ở phía Tây Bắc, có diện tích khoảng 185 km2. Diện tích được khoanh định trên cơ sở diện phân bố các đá phức hệ Mường Hum và các đá hệ tầng Bản Nguồn. Trong diện tích bao gồm mỏ đất hiếm Mường Hum, Nậm Pung đã được đã được tìm kiếm - đánh giá và các điểm quặng T Chang Hồ, Ngải Chồ. Quặng hóa đất hiếm phân bố dọc theo ranh giới tiếp xúc giữa đá phiến thạch anh - sericit của hệ tầng Bản Nguồn với đá granit kiềm, granosyenit kiềm, syenit kiềm phức hệ Mường Hum có nguồn gốc pegmatit. Trong đó mỏ đất hiếm Mường Hum các thân quặng đất hiếm phân bố trong các trầm tích bở rời thuộc kiểu mỏ sa khoáng eluvi - deluvi. Ngoài ra vỏ phong hóa trên đá kiềm thuộc phức hệ Mường Hum cũng là đối tượng điều tra đánh giá liên quan đến quặng đất hiếm.
- Diện tích khu vực Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai): kéo dài từ Sơn Hải, Sơn Hà và Cam Cọn huyện Bảo Thắng, Lào Cai đến xã Châu Quế Thượng, tỉnh Yên Bái, có diện tích khoảng 170 km2. Diện tích được khoanh định trên cơ sở diện phân bố của các đá phức hệ Xóm Giấu trong hệ tầng Sinh Quyền. Khu vực nghiên cứu là phần kéo dài của mỏ đất hiếm Bến Đền, thuộc kiểu mỏ laterit đất hiếm - dạng hấp thụ ion. Quặng đất hiếm tồn tại trong vỏ phong hoá của đá granit felspat kali, granit sáng màu, granosyenit phức hệ Xóm Giấu. Diện phân bố của vỏ phong hoá  chia thành hai dải kéo dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam. Vỏ phong hoá gồm sét mềm, mịn, màu vàng, vàng sẫm, nâu vàng, bề dày từ vài mét đến hàng chục mét.

Sơ đồ phân vùng triển vọng quặng đất hiếm ở Tây Bắc Việt Nam

5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
- Khu vực Tây Bắc Việt Nam là khu vực có tiềm năng lớn về quặng đất hiếm ở Việt Nam. Tài nguyên đất hiếm ở Tây Bắc Việt Nam chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ, các mỏ, điểm quặng phân bố chủ yếu trong 2 đới cấu trúc chính là đới Sông Đà (rif) và đới Fansipan. Tổng tài nguyên đất hiếm xác định tính ở các cấp trữ lượng 121, 122 và các cấp tài nguyên tin cậy (222) và dự tính (333) đạt khoảng 12 triệu tấn TR2O3.
- Trên cơ sở đặc điểm phân bố, mức độ nghiên cứu và phân tích các yếu tố địa chất liên quan và khống chế quặng hóa đất hiếm, đặc điểm trường địa hóa - khoáng vật, trường địa vật lý đã tiến hành phân vùng triển vọng. Kết quả đã khoanh định được 4 diện tích có triển vọng về đất hiếm để tiến hành khảo sát, đánh giá như sau: diện tích Hoàng Liên Sơn (Phong Thổ, Lai Châu), Thèn Sin - Tam Đường (Tam Đường, Lai Châu), Mường Hum - Nậm Pung (Bát Xát, Lào Cai) và diện tích Bảo Thắng (phần kéo dài của mỏ đất hiếm Bến Đền, Bảo Thắng, Lào Cai). 
- Căn cứ vào đặc điểm hình thái, kích thước các thân quặng đất hiếm đã xác nhận trong điều tra đánh giá hoặc thăm dò, tổ hợp khoáng vật, thành phần hóa học trong các thân quặng, biểu hiện quặng đất hiếm trên các diện tích đã được lựa chọn để định hướng công tác khảo sát, đánh giá nhằm làm rõ các đặc điểm về bản chất các dị thường phóng xạ, quy mô, các yếu tố sinh khoáng, dự báo triển vọng phục vụ công tác nghiên cứu tiếp theo.
KIẾN NGHỊ
- Tập trung nghiên cứu mối liên quan tổng thể giữa các yếu tố sinh khoáng với các mỏ đã được phát hiện từ đó định hướng tìm kiếm, phát hiện các mỏ mới.
- Trên cơ sở các mô hình đã được xác lập tiến hành điều tra, đánh giá và thăm dò đối với từng kiểu mỏ.
- Triển khai đánh giá các diện tích có biểu hiện quặng hóa về đất hiếm, làm rõ quy mô, chất lượng quặng để đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác loại khoáng sản đặc biệt này.

 
Nguyễn Trung Thính, Nguyễn Đức Long, Chu Minh Tú -- Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm

NHỮNG NỘI DUNG KHÁC

Kỷ niệm 35 năm thành lập Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm 1978 - 2013
Hào khí Viêt Nam (Liên đoàn ĐỊa chất Xạ - Hiếm)
Văn nghệ Hội nghị Đại biểu Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm năm 2016
Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Phân tích mẫu trên thiết bị ORTEC GEM 30

Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Hệ thống ICP-MS Agilent 7700x
Nghiền mịn mẫu đất đá
Nghiền mịn mẫu đất đá

Hoạt động chuyên môn

Đơn vị trực thuộc

Đăng nhập

Văn bản pháp quy

Liên kết website

Hình ảnh liên đoàn

Copyrights 2017 Geological Division for Radioactive And Rare Elements. All rights reserved.